Table of Contents

  • Báo cáo này được công bố trong phạm vi trách nhiệm của Tổng thư ký OECD.

  • Việt Nam đã nhanh chóng hồi phục sau những đợt suy thoái do đại dịch gây ra, nhờ phản ứng chính sách nhanh nhạy. Đại dịch COVID-19 đã làm gián đoạn ba thập kỷ tăng trưởng kinh tế cao liên tục. Tuy nhiên, các biện pháp kiểm dịch nhanh và được điều chỉnh phù hợp giúp Việt Nam không phảitrải qua các đợt bùng phát quy mô lớn cho tới tận giữa năm 2021. Từ sau đó, chiến dịch tiêm chủng diễn ra nhanh chóng. Tăng trưởng kinh tế cao hơn so với hầu hết các nền kinh tế khác ở Đông Nam Á trong đại dịch, tạo cơ sở vững chắc cho tiến bộ kinh tế hơn nữa. Việt Nam là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Chiến lược Phát triển kinh tế - xã hội 2021-2030 cam kết tiếp tục thúc đẩy cải cách kinh tế sâu rộng để phấn đấu trở thành nước có thu nhập trung bình cao.

  • Trong hơn ba thập niên, Việt Nam đã đạt được những tiến bộ kinh tế nổi bật. Việc tham gia tích cực vào các chuỗi giá trị toàn cầu đã mang lại sự thịnh vượng về kinh tế, nhưng cũng khiến Việt Nam dễ chịu tác động của các điều kiện bên ngoài, vốn đã trở nên bất ổn hơn so với trước đây. Trong khi đầu tư nước ngoài dẫn dắt sản xuất định hướng xuất khẩu, một số lượng lớn các doanh nghiệp nhỏ đóng vai trò quan trọng trong các hoạt động kinh tế ở trong nước. Khó khăn về kinh tế thường ảnh hưởng nặng nề nhất tới các doanh nghiệp nhỏ và hộ gia đình nghèo hơn. Hơn nữa, hệ thống an sinh xã hội vẫn chưa bao phủ một số lượng lớn người dân, bất chấp việc già hóa dân số đang diễn ra nhanh chóng. Chương này thảo luận những tác động kinh tế vĩ mô và xã hội của các cuộc khủng hoảng gần đây, đặc biệt là đại dịch COVID-19 và xung đột Nga - U-crai-na, cũng như các hàm ý chính sách của chúng đối với việc đạt được tiến bộ mạnh mẽ và bao trùm trong trung hạn, gồm cả tầm quan trọng của việc hội nhập thương mại sâu sắc hơn đối với Việt Nam.

  • Việt Nam đã thực hiện những cải cách sâu rộng từ cuối thập niên 1980, trở thành một trong những thị trường mở nhất ở Đông Nam Á. Tuy nhiên, việc duy trì tăng trưởng kinh tế cao trong thập niên tới đây sẽ đòi hỏi nhiều nỗ lực hơn nữa để tăng năng suất lao động. Để thúc đẩy cải cách, chính phủ sẽ cần hành động mạnh mẽ nhằm giảm sự can dự của nhà nước và bảo đảm sân chơi bình đẳng cho tất cả các bên tham gia thị trường, gồm cả các doanh nghiệp nhà nước. Quá trình số hóa nhanh chóng gần đây của Việt Nam do khu vực tư nhân thúc đẩy đã chứng tỏ rằng cạnh tranh là rất quan trọng để tiếp thu và phổ biến các công nghệ mới nhất. Cam kết phát thải ròng bằng không vào năm 2050 tạo ra những thách thức và cả cơ hội để kích thích đổi mới sáng tạo và theo đuổi tăng trưởng xanh hơn. Trong bối cảnh đó, chương này sẽ thảo luận về cách Việt Nam có thể đạt được tiến bộ hơn nữa trong việc tạo ra sân chơi bình đẳng cho các doanh nghiệp, mang đến một môi trường thuận lợi cho công cuộc chuyển đổi số, và hướng tới một nền kinh tế các-bon thấp.